Hàng trăm người chết vì bẫy chuột

Theo thống kê chưa đầy đủ, năm 2009 các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long xảy ra gần trăm vụ án mạng vì bẫy chuột. Những ngày đầu năm 2010, con số chết do mắc bẫy chuột bằng điện tiếp tục tăng.


Dùng nylon bao quanh đồng ruộng cũng là cách chống chuột
NHỮNG CÁI CHẾT OAN UỔNG
Sau thời gian điều tra, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an TP.Cần Thơ đã xác định nguyên nhân cái chết của anh Thái Văn Hậu (SN 1968) ngụ khu vực Tân Thạnh 1, phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt. Ngày 3-1-2010, người dân phát hiện anh Hậu nằm sóng soài trên bờ ruộng. Tại hiện trường, bàn chân anh Hậu dính vào bẫy chuột do chính anh gài. Anh Hậu được xem là thanh niên giỏi nhất xóm. Hàng ngày từ lúc tờ mờ sáng cho đến mặt trời lặn, anh mới trở về nhà. Thấy đồng lúa đang phát triển sợ chuột phá hoại, anh mắc điện cao thế giăng đồng để bẫy chuột. Tối hôm xảy ra vụ việc, anh ra thăm ruộng, sơ ý vướng vào dây điện cao thế bị chết tại chỗ. Cùng hoàn cảnh với anh Hậu, đã gần một tháng gia đình anh Mai Văn Dũng (SN 1972) ngụ xã Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau bao trùm không khí tang thương. Dũng đầu tắt mặt tối với năm công ruộng sau nhà. Vụ lúa Đông - Xuân chuẩn bị thu hoạch thì lũ chuột vào cắn phá. Dũng lấy dây kẽm mắc vào điện cao thế bao quanh ruộng để bẫy chuột. Trong một lần thăm ruộng, Dũng bị vấp té nằm sấp xuống bờ bao dính vào bẫy chuột chết tại chỗ. Ở nhà, vợ Dũng chờ tới sáng không thấy anh về nên tất tả ra đồng tìm. Đến nơi, chị ngã quỵ trên ruộng.


Hiện trường vụ chết người do dính bẫy chuột bằng điện
Theo thống kê chưa đầy đủ của Công an các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long, thời gian qua hàng chục nạn nhân chết vì tự sập bẫy chuột do mình cài đặt.
Hầu hết các vụ bẫy chuột bằng điện có kết cục đáng buồn. Khi bị xử lý theo pháp luật, một số đối tượng còn ngạc nhiên: Ủa bẫy chuột cũng có tội sao? Điều tra viên buộc phải hướng dẫn cho họ hiểu. Khi ký vào biên bản, đối tượng nói phải chi biết trước đừng bẫy chuột. Ngày 7-1-2010, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an TP.Cần Thơ cho biết đang tạm giữ ông Trần Văn Nang (SN 1961) ngụ ở phường Thới An Đông, quận Bình Thủy vì liên quan đến vụ sử dụng điện để bẫy chuột dẫn đến chết người. Ông Nang có mảnh ruộng diện tích khoảng 400m2 ở khu vực Thới Thạnh, phường Thới An Đông, quận Bình Thủy. Ông dùng dây kẽm vây quanh bờ bao của phần đất này và nối với nguồn điện để bẫy chuột. Khoảng 20 giờ ngày 1-1-2010, anh Nguyễn Văn Dũng (SN 1976) ngụ cùng địa phương đi ngang khu đất, rửa tay ở mương nước, bị trượt chân té đè lên dây kẽm nói trên và bị điện giật chết. Trước cái chết oan nghiệt của anh Dũng, ông Nang đang phải đối mặt hình phạt của pháp luật. Và còn nhiều trường hợp đau lòng khi vướng phải bẫy chuột. Nạn nhân là những người dân nghèo đi giăng lưới, bẫy cò, đặt lọp... để kiếm sống. Anh Sử Văn Nhợi (SN 1973) ngụ xã Đông Thái, huyện An Biên, tỉnh An Giang, đi ngang qua ruộng của anh Ngô Công Bằng để bẫy cò. Anh Nhợi vấp phải sợi dây kẽm bẫy chuột bị điện giật chết tại chỗ. Anh Nguyễn Văn Sang (SN 1960) ngụ ấp Long Hòa B, xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang, đi cắm câu tại phần đất của anh Lê Văn Út ngụ cùng địa chỉ trên. Anh Sang chưa giăng hết phần câu đã đem theo thì vướng vào bẫy chuột tử vong. Em Nguyễn Trường An (SN 1985) sinh viên Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cần Thơ nhân ngày nghỉ lễ về quê ở xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang thăm gia đình. Tối em cùng người hàng xóm đi bắt ếch, cũng vướng bẫy chuột. Cái chết của An để lại thương tiếc cho thầy cô, bạn bè. Tai họa do bẫy chuột mà trong phạm vi bài viết chúng tôi không sao kể xiết. Tuy nhiên, những vụ án mạng do bẫy chuột vẫn không thuyên giảm.


Một số người dùng dây kẽm mắc điện xung quanh bờ ruộng
DÂN CHƯA RÀNH LUẬT
Tình trạng dùng điện bẫy chuột kéo dài và có chiều hướng gia tăng là do công tác kiểm tra an toàn trong sử dụng điện, công tác tuyên truyền giáo dục hoặc xử lý những trường hợp vi phạm chưa được quan tâm đúng mức. Người dân vẫn chưa biết sử dụng điện lưới, điện bình qua bộ phận biến điện để bẫy chuột là vi phạm các quy định an toàn về điện. Chỉ một lần bị phát hiện sẽ bị xử phạt rất nặng. Nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng như chết người sẽ bị xử lý về hình sự. Trong đó, Nghị định 74 của Chính phủ ban hành ngày 26-6-2003 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực có quy định cụ thể là: Sử dụng điện để đánh bắt cá, bẫy chuột, chống trộm, bảo vệ tài sản, hoa màu hoặc các hành vi khác vi phạm quy định về an toàn trong sử dụng điện thì bị phạt tiền từ 3 triệu đến 5 triệu đồng. Luật đã quy định rất rõ các hành vi sử dụng điện sai mục đích, quy định nhưng Nghị định trên vẫn chưa được áp dụng nhiều vào thực tế. Công tác giáo dục, phổ biến rộng rãi cho người dân của ngành điện lực vẫn còn nhiều hạn chế. Trước hàng loạt vụ án mạng do điện xảy ra, đã đến lúc ngành điện cùng chính quyền địa phương cần có biện pháp hữu hiệu như phổ biến việc sử dụng điện cho người dân để tránh những vụ án đáng tiếc xảy ra...